KTS. Trần Hoài Nam tư vấn:
Trong nội thất kiến trúc, trần nhà là bề mặt rộng lớn, cần phải phẳng để không làm khó chịu cho người nhìn. Thông thường, để tránh có nhiều đà dầm xuất hiện trên trần nhà thì từ ban đầu phải có sự phối hợp giữa người thiết kế kết cấu và kiến trúc sư thiết kế nội thất, sự phối hợp này sẽ làm nội thất căn phòng có độ cao hợp lý và tránh đà dầm nằm giữa phòng. Ví dụ như: nếu có đà dầm thì sẽ bố trí lẫn trong tường ngăn phòng, tường xây có độ dày bằng với đà; kết cấu sàn lật có đà nằm bên trên… Với cách này thì không nhất thiết phải đóng trần để che đà dầm tuy nhiên giải pháp này lại tốn chi phí xây dựng do xây tường dày, kết cấu phải vượt nhịp lớn, ống kỹ thuật phải âm trong bêtông sàn… Hay độ cao trần quá cao không hài hòa với tường xung quanh, nội thất thì đơn điệu (đèn gắn nổi, lộ ống kỹ thuật nếu có phát sinh…)
Do vậy, cách tốt nhất để tạo một không gian đẹp, che đà dầm hay đường ống kỹ thuật như bạn mong muốn thì tốt nhất nên đóng trần thạch cao khung chìm. Tôi chia sẻ thêm ưu điểm của loại trần này:
• Giúp che đà dầm trên trần và đặc biệt khắc phục tốt phong thủy xấu do đà dầm gây ra.
• Thời gian thi công nhanh, dễ giật cấp trang trí tùy theo nhu cầu của gia đình.
• Dễ tích hợp thêm giải pháp chống nóng, chống ồn.
Ngôi nhà sẽ trở nên duyên dáng và cá tính hơn với kiểu trần phù hợp.
Trần thạch cao phẳng kết hợp đèn trang trí cho không gian phòng bếp hiện đại (Nguồn Internet)
Trần thạch cao phẳng phù hợp với những bạn ưa thích sự đơn giản (Nguồn Internet)
Mẫu trần thạch cao giật cấp cho không gian phòng khách sang trọng (Nguồn Internet)
Mẫu trần thạch cao đẹp, hiện đại cho phòng khách (Nguồn Internet)
KTS. Trần Hoài Nam
Cty TNHH Tư Vấn Thiết Kế Xây Dựng Tam Đa