vinhtuong đăng vào lúc 03/03/2020 - 17:56
Tôi đã thấy giọt mồ hôi nơi công trình
Tôi đã thấy giọt mồ hôi nơi công trình
Cứ mỗi khi nhìn vẻ đẹp lộng lẫy của từng ngôi nhà cao tầng đang hàng ngày mọc lên trong thành phố, trong tôi lại dâng lên một cảm giác khó tả: một phần ngưỡng mộ cho những ai đã tạo nên chúng, một phần tự hào khi thành phố ngày một hiện đại hơn, đẹp đẽ hơn. Tôi không biết có phải vì điều này mà mình đã có sự quan tâm đặc biệt đến mảng xây dựng trong ngành trang trí nội thất hay chăng. Có lẽ vì điều đó mà tôi đã có cơ hội trở thành một thành viên của ngôi nhà Vĩnh Tường – nơi góp phần làm nên những “khoảnh khắc ngước nhìn” kì diệu khi ta chạm vào không gian trần – vách trong mỗi công trình.
Những âm thanh, hình ảnh thân thuộc
Nhớ ngày ấy, lần đầu tiên tôi bước vào công ty nhận việc cũng chính là ngày tôi có dịp được đặt chân đến công trình đầu tiên. Cảm giác bỡ ngỡ, lạ lẫm pha lẫn sự hiếu kì về một môi trường làm việc đầy mới mẻ này. Lúc ấy, tôi đã bị lôi cuốn bởi sự thú vị và tinh tế của phần trang trí những vách ngăn, che, những khoảng trần chìm – nổi tại công ty. Dường như, đó không chỉ là những vách ngăn phân chia không gian thông thường mà đó còn cả một sự thẩm mỹ tinh tế: những đường nét uốn lượn, gợn sóng tạo nên vẻ đẹp mềm mại, làm giảm bớt sự căng thẳng cho khu vực văn phòng.
Đường vách uốn lượn, đầy thẩm mỹ trong văn phòng
Tiếp theo đó là những ngày đầy hào hứng khi tôi cùng đồng nghiệp ra công trình. Cho đến bây giờ tôi không thể nào quên được những buổi học an toàn lao động mỗi buổi sáng sớm để chuẩn bị vào công trình nhằm cung cấp đầy đủ kiến thức về an toàn và phòng ngừa các tai nạn rủi ro có thể xảy ra tại công trường. Hình ảnh các anh chị, các cô chú công nhân trong bộ đồng phục Vĩnh Tường hối hả đến công trình để kịp tham gia buổi học an toàn trước khi bắt tay vào công việc như trở thành một hình ảnh quen thuộc tại nơi đây. Câu khẩu hiệu “An toàn! An toàn! An toàn!” để kết thúc buổi học còn vang vọng mãi trong tôi.
Tiếng đục, tiếng máy khoan, tiếng động cơ… những âm thanh ầm ĩ cũng bắt đầu phát ra từ nhiều nơi. Thế là một ngày làm việc bắt đầu!
Đầu đội nón bảo hộ, chân mang giầy bảo hộ, tay xách thùng đồ nghề chuyên dụng, trên người luôn khoác chiếc áo ghi-lê vàng chính là hình ảnh thân quen của các anh thợ thi công Vĩnh Tường mà ta có thể dễ dàng bắt gặp tại mỗi công trình. Thêm vào đó, bước chân sải dài nhanh nhẹn, phong thái khẩn trương cũng góp phần tạo nên tác phong làm việc chuyên nghiệp, sự nhiệt huyết với công việc của đội thợ. Có lẽ chính điều này đã tạo nên sự khác biệt của thợ thi công Vĩnh Tường và thợ thi công của các đơn vị thi công khác chăng?
Các anh em luôn phải tập trung tối đa trong quá trình làm việc
để tránh mọi trường hợp rủi ro
Giọt mồ hôi nơi công trường
Ra công trường, theo dõi các anh em làm việc, tôi mới hiểu được sự khắc nghiệt của nơi đây. Cái khắc nghiệt này không chỉ là do thời tiết gây ra mà còn do yếu tố môi trường, tính chất công việc. Đó là những lúc mòn mỏi chờ đợi thang máy, những lúc chen chúc nhau giành vận thăng để chuyển hàng, nào là những buổi trưa hè nóng nực người thợ vẫn miệt mài, say sưa làm việc để có thể bắt kịp tiến độ công trình, hay những buổi tăng ca tận đêm dài đằng đẵng… Những lúc tiến độ công việc đang bị lên dây cót thì việc tăng ca đến tận đêm, hay việc siết chặt giờ nghỉ ngơi của người thợ cũng là chuyện thường tình nơi công trình.
Nhớ nhất là những buổi chuyển vật tư suốt đêm bằng vận thăng, thậm chí bằng thang bộ, để kịp cung cấp đầy đủ vật tư đến khu vực thi công để khẩn trương hoàn tất công việc và đảm bảo tiến độ công trình. Thật sự, việc đi bộ lên xuống từ mấy chục tầng mỗi ngày hay có khi vận chuyển hàng bằng sức người, bằng đường thang bộ, các tiếng ầm ĩ, bụi bặm phát ra từ hàng chục các loại máy móc, hay việc tăng ca liên tục cũng như việc thức sớm về trễ là môi trường làm việc đặc trưng chỉ riêng cho công trình.
Nhìn những giọt mồ hôi của người thợ chảy dài trên khuôn mặt, ướt đẫm cả áo, nhìn những bước chân đi chuyển khẩn trương chuyển hàng và cả những bước chân uể oải cho những buổi tăng ca kéo dài tận đêm, nghe những tiếng âm thanh phát ra từ máy khoan dồn dập đến yếu dần đi theo thời gian, nghe những tiếng nói chuyện rộn rã trong lúc làm việc đến không khí tĩnh lặng của buổi ban chiều…. tôi mới cảm nhận và đồng cảm được sự khắc nghiệt của môi trường nơi đây và tinh thần làm việc không mệt mỏi của các anh em như thế nào.
Bước vào công trình, điều quan trọng đặt lên hàng đầu chính là sự an toàn lao động. Nơi làm việc mà có thể dẫn tới nguy cơ và rủi ro cao chính là công trường. Công trường chính là nơi mà một tòa nhà đang xây chưa được hoàn chỉnh cho nên các yếu tố như lỗ hổng, hành lang, cầu thang chưa được che chắn, đá rơi….dễ dẫn đến các mối nguy cơ nguy hiểm cao nếu không có biện pháp ngăn chặn và phòng ngừa trước. Sự thiếu hiểu biết, sự bất cẩn chỉ cần trong tích tắc có thể dẫn đến chấn thương hay tử vong cho thợ thi công. Do đó, kiến thức an toàn lao động tại công trình luôn được đề cao.
Dù môi trường có khắc nghiệt thế nào, thế nhưng niềm đam mê và nhiệt huyết của các người thợ thi công vẫn luôn rực cháy. Họ vẫn và đang làm việc hết mình bằng cả tâm huyết và lòng tận tụy. Những nụ cười rạng rỡ luôn hiện rõ trên khuôn mặt, che đi sự mệt mỏi và vất vả thường tình. Tất cả những gì họ mong đợi là cố gắng hết sức để sớm hoàn thành nhiệm vụ và hoàn thiện những công trình mới chất lượng có sự đóng góp của thương hiệu Vĩnh Tường. Tiếng ồn ào, náo động và ầm ĩ dần tắt, thay vào đó là không khí tĩnh lặng của giờ nghỉ ngơi nơi công trình lúc giờ trưa hay lúc tan tầm. Tốp thợ này nghỉ thì tốp kia lại vào ca. Công việc của họ cứ nối tiếp nhau hàng ngày như thế. Mồ hôi ướt nhoài nhưng vẫn hăng say không quên nhiệm vụ.
Trải qua một ngày làm việc với anh em, tôi càng hiểu hơn được những công trình hàng ngày mọc lên là tâm huyết, sức đóng góp, tích lũy biết bao giá trị của con người. Từ đằng xa, trong tâm trí tôi vẫn còn động mãi hình ảnh một người thợ tay xách thùng đồ nghề đang lê từng bước chân chậm rãi dần dần rời khỏi công trình sau giờ tan ca. Bóng dáng ấy dần dần mờ đi trong làn xe tấp nập phố phường...
Vĩnh Tường